Tại các địa phương, tỷ lệ lao động trở lại làm việc vào ngày 27/1 (mùng 6 Tết) là khoảng hơn 80% và tăng lên hơn 90% vào ngày 30/1 (mùng 9 Tết). Riêng các tỉnh miền Nam tập trung nhiều doanh nghiệp trong ngành sản xuất gỗ, dệt may, da giày đang gặp khó khăn thì hoạt động trở lại sau Tết muộn hơn. Các doanh nghiệp khuyến khích lao động quay lại làm việc đúng ngày bằng việc tổ chức lì xì, quay số may mắn, tặng quà đầu năm. Các chính sách chăm lo tốt đã giúp doanh nghiệp duy trì nguồn lao động ổn định.
Tại Bình Dương, đại diện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào ngày đầu năm tương đối ổn định, đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và sẽ không có biến động lớn về lao động.
Tính đến ngày 30/1, số doanh nghiệp ngoài các khu công nghiệp tại Bình Dương trở lại hoạt động đạt khoảng 86%, tỷ lệ số lao động trở lại làm việc đạt 83,5%. Số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trở lại hoạt động đạt khoảng 88%, số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ 89%.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đến ngày 30/1, phần lớn công nhân viên chức, người lao động đã quay trở lại các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp bắt tay vào hoạt động sau thời gian nghỉ Tết Quý Mão 2023. Tỷ lệ lao động quay lại các cơ quan, doanh nghiệp làm việc đạt khoảng 95%.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2022 tình hình sản xuất khó khăn ở một số doanh nghiệp nên người lao động có suy nghĩ khác so với các năm trước. Tình trạng đổi việc, "nhảy việc" sau Tết không còn là xu hướng do công nhân mong muốn có việc làm ổn định.
Tại Đồng Nai, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai cho biết do tình hình sản xuất, đơn hàng của các doanh nghiệp có sự giảm sút từ cuối năm 2022 nên hầu hết các doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão dài hơn so với quy định của Chính phủ và các năm trước. Trung bình các doanh nghiệp bố trí người lao động nghỉ từ 9-14 ngày, thậm chí một số doanh nghiệp ngành chế biến gỗ bố trí lịch nghỉ Tết từ 20-25 ngày. Tính đến ngày 27/1 (mùng 6 Tết), hầu hết các doanh nghiệp tại Đồng Nai chưa quay lại hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đến ngày làm việc đầu tiên làm việc ngày 30/1 (mùng 9 Tết), tỷ lệ lao động quay lại cao, nhiều công ty có tới 99% công nhân đi làm bình thường, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất ngay từ đầu năm.
Tại các tỉnh phía Bắc, một số địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, tỉ lệ lao động trở lại làm việc đều trên 95%.
Theo ghi nhận của Liên đoàn Lao động Hà Nội, tính đến ngày 30/1 đã có hơn 99,2% doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất với trên 97,8% số công nhân lao động trở lại làm việc. Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán tình hình quan hệ lao động trên địa bàn Hà Nội ổn định, không xảy ra vụ đình công, ngừng việc tập thể nào.
Tại Bắc Ninh, toàn bộ 1.190 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã hoạt động với hơn 307.000 lao động đi làm chiếm tỷ lệ hơn 99% lao động. Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cơ bản đã ổn định về lao động sau Tết, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thái Nguyên cũng có gần 95% công nhân đã đi làm lại ngày từ ngày 27/1 (mùng 6 Tết)
Đánh giá về quan hệ lao động trong dịp Tết 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định tình hình cơ bản ổn định, ít xảy ra các vụ tranh chấp và ngừng việc. Các cấp công đoàn đã chủ động thực hiện, phối hợp với các chính quyền các cấp làm tốt việc phòng ngừa tranh chấp lao động trước Tết, qua đó giảm số cuộc ngừng việc tập thể so với dịp Tết năm 2022.
Về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023 nói chung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo, dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại.
Theo đó, tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng với khoảng 370.000 người.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn, có thể diễn biến đến hết quý 1/2023.
Khánh Hòa (nguồn st https://baodansinh.vn/sau-tet-tinh-hinh-lao-dong-khong-co-bien-dong-lon-ty-le-nh